Trước khi lên đường sang Mỹ du học ở trường Angelo State University, Nguyễn Khắc Thịnh (sinh viên ĐH Ngoại Thương) kịp kể cho bạn bè nghe một câu chuyện truyền cảm hứng: Cho dầu vào lửa! Đó cũng chính là công việc của Thịnh trong suốt mùa hè này.
Tình nguyện làm trợ giảng cho một cơ sở dạy học của Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM, tôi có cơ hội được làm “thầy giáo” cho rất nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Cách nơi tôi dạy vài phút đi bộ là xóm lao động nghèo. Vào khoảng chập tối, giữa các con hẻm yên tĩnh và ảm đạm, đôi khi phát lên âm thanh uỳnh uỳnh của quả bóng được đá vào cây cột điện. Dưới ánh đèn chập chờn là hình ảnh của cậu nhóc đang tập đá bóng một mình, toát lên vẻ huyền ảo và bí ẩn. Có lúc cậu tập sút – với khung thành là khoảng giữa hai chiếc dép đặt sẵn dưới đất, có lúc cậu tập lừa bóng, tạo ra những âm thanh xẹt xẹt do bóng cứ mãi ma sát với đất. Cậu tuy thấp, có thân hình nhỏ con, nhưng đôi chân thoăn thoắt và điêu luyện. Làn da cậu ngâm đen, mái tóc được hớt cao, ôm sát đầu trông thật phù hợp với sở thích đá bóng của cậu.

Nhóc ấy tên là K., năm nay mới 10 tuổi, là một học sinh của lớp học này. Cha mẹ li di, cha cậu chạy Grab ngày đêm nên cậu và em phải tá túc nhà nội. Thu nhập của cha và nội không ổn định nên ngay từ nhỏ cậu đã trải qua biết bao khó khăn trong cuộc mưu sinh của gia đình.
Khi nhắc về đứa trẻ chừng ấy tuổi, chúng ta thường hình dung nét vui tươi hồn nhiên, mang đến cho chúng ta niềm vui từ sự dễ thương, hiếu động của chúng. K., đáng tiếc thay, không phải là một đứa trẻ như vậy. Khi được phường giới thiệu vào học ở đây, K. là một đứa trẻ cộc cằn. Ngẫm lại thì có lẽ K. đã không ít lần “va chạm tay chân” với các bạn. Do cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương mà cậu nhóc đã hình thành tính cách khó gần như vậy. Nhưng đừng vì thế mà nghĩ em học kém nghen, bởi em vẫn đang là học sinh giỏi ở trường đấy!
Cậu nhóc còn thuộc lòng ba điều tôi dạy: Học tập chăm chỉ – Tôn trọng mọi người – Theo đuổi đam mê.
— Nguyễn Khắc Thịnh
Em muốn lớn lên làm nghề gì? – có lần tôi hỏi K. Em muốn làm cầu thủ đá bóng! Câu trả lời không làm tôi bất ngờ. Cơ mà với tính khí của cậu, có lẽ cầu thủ là lựa chọn chẳng phù hợp (Suy cho cùng, có nghề nào phù hợp với bản tính cộc cằn đâu!). Chính vì thế mà tôi và các bạn tình nguyện viên vẫn luôn tìm cách “chữa” cái tính khó chịu này. Dần dần, cậu trở nên trầm hơn, một phần vì cậu đã lớn, phần vì nơi đây đã giúp cậu nhận ra những hệ lụy vô cùng xấu khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực. Cậu nhóc còn thuộc lòng ba điều tôi dạy: Học tập chăm chỉ – Tôn trọng mọi người – Theo đuổi đam mê.

“Có chỗ từ thiện cho người nghèo tiền bạc, có chỗ thiện nguyện trao người nghèo thức ăn hay quần áo, thế ở chỗ của cậu, người ta cho gì vậy?” Mỗi lần gặp nhau, bạn bè hay hỏi tôi câu này. “ Cho dầu vào lửa!” – tôi nói đùa rồi cả đám cười phá lên. Cơ mà sau đó bạn bè tôi cũng nhận ra, ngọn lửa này không phải là ngọn lửa của sự tức giận, mà là lửa đam mê và hi vọng đang bùng cháy mạnh mẽ nơi những cậu bé, cô bé. Nơi đây chẳng trao cho các bé bao nhiêu vật chất cả, chỉ gieo niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn mà thôi.
“ Cho dầu vào lửa!” – tôi nói đùa rồi cả đám cười phá lên.
— Nguyễn Khắc Thịnh
Bây giờ đang vào mùa mưa, thành phố cứ lâm râm mãi, nhất là về chiều. Trong tiếng lách tách của hạt mưa rơi trên mái hiên, tôi tin lẫn đâu đó là âm thanh của tiếng bóng lăn, tiếng xẹt xẹt và cả tiếng uỳnh nữa, bởi cơn mưa nhỏ bé sao có thể dập tắt ngọn lửa trong cậu nhóc được chứ!
NGUYỄN KHẮC THỊNH