Bạn đã từng hụt hẫng trước những mất mát, tất tả sắp xếp lại kế hoạch bị xáo trộn hay nuối tiếc vì những cơ hội vụt mất sau Covid-19? Nhân dịp đầu năm mới, hãy cùng ngồi xuống “uống trà” và chuyện trò cùng chuyên gia tâm lí Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM) để mình cùng nhau sắp xếp, lên kế hoạch cho một hành trình hạnh phúc sắp tới.

Từng là người chuyện trò, đồng hành với nhiều gen Z trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, đối với anh, đâu là vấn đề tâm lí lớn nhất của các bạn?

Trong tâm lí học, chúng tôi có một khái niệm gọi là sang chấn tâm lí tập thể. Nó diễn biến rõ nhất trong giai đoạn thành phố đang chịu những tổn thương vì Covid-19. Vì khi một người mắc bệnh, cả nhà đều có nguy cơ mắc bệnh. Những vấn đề tâm lí xảy đến là ở một gia đình, một cộng đồng chứ không còn là cá nhân nữa.

Bình thường tối nào mình cũng trà sữa với bạn bè. Tự nhiên dịch đến, mình phải ở nhà, không được gặp gỡ, trò chuyện như trước kia. Buồn lắm chứ! Bởi tuổi chúng mình đang ở trong giai đoạn cần giao lưu, kết nối với thế giới bên ngoài mà.

Rồi bình thường mình đi học, đi chơi, thời gian gặp gỡ gia đình có giới hạn. Khi dịch bệnh đến, mình ở nhà nhiều hơn. Gia đình êm đềm thì hạnh phúc. Tuy nhiên, có những gia đình nảy sinh mâu thuẫn, chẳng thể giải tỏa, cũng không thể đi đâu. Dịch bệnh khép chúng ta vào những tình huống “khó nhằn”, vấn đề tâm lí của nhiều bạn cũng từ đó mà nảy sinh.

Cả xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, không chỉ các bạn mà cả bố mẹ, thầy cô, bạn bè cũng lo lắng rất nhiều.

Nếu không được giải quyết, nó “căng” như thế nào vậy anh?

Có lần, tôi tiếp nhận tư vấn tâm lí cho một bạn trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh. Sau khi biết gia đình gồm ông bà, bố mẹ và bản thân bạn đã mắc Covid-19, bạn quá lo âu nên đã uống thuốc trừ sâu. Bạn đã lo lắng, nghĩ rằng mình… sẽ ra đi khi nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên rất may gia đình đã phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ không chỉ điều trị chống độc vì bạn đã uống thuốc trừ sâu mà còn điều trị Covid-19 cho bạn. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng ngộ độc của bạn đã ổn định, xét nghiệm Covid-19 cũng đã âm tính.

Khi những vấn đề tâm lí được cởi bỏ, bạn mới có thể chuyện trò, mở lòng. Bên cạnh việc điều trị bệnh, câu chuyện tâm lí của mỗi người cũng rất quan trọng.

Trong thời điểm dịch bệnh, những vấn đề tâm lí âu lo, sợ hãi, buồn bã… có thể xảy đến. Để “gỡ bỏ” và giải tỏa những điều này, theo anh, chúng ta cần làm gì?

Đối với quan điểm của tôi, không có cảm xúc nào là xấu hay tiêu cực. Ví dụ nha, khi bạn buồn lo thì cứ chấp nhận nó, khóc thật to. Cảm xúc là các luồng năng lượng trong chúng ta.

Tôi tạm chia làm 2 loại, nỗi lo “bình thường” và nỗi lo “bất bình thường”. Trước một kế hoạch bị dang dở vì Covid-19, lo lắng là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn để lo lắng kéo dài, không làm gì tiếp tục được thì nó sẽ hơi “bất bình thường” rồi.

Khi bạn cho rằng các cảm xúc lo lắng, buồn bã, sợ hãi, giận dữ là tiêu cực, bạn có nguy cơ dồn nén và không để ý đến cảm xúc của mình. Điều này có thể gây tác động xấu đến tâm trí chúng ta. Bởi lẽ khi bị dồn nén, các cảm xúc không được giải toả mà có thể tích luỹ và làm chúng ta nặng nề, căng thẳng.

Khi đứng trước cơn dịch, chúng ta lo lắng, buồn bã là những điều hết sức tự nhiên. Vì vậy, hãy can đảm nhận ra cảm xúc đang có trong mình và cho phép bản thân được ở lại, trải nghiệm và bộc lộ cảm xúc đó một cách lành mạnh.

Nhóm tình nguyện viên chống dịch của bạn Phạm Tâm (THPT Trường Chinh, Q.12). Ảnh: NVCC

Làm thế nào để có thể khơi dậy được những “sức bật tinh thần” trong những ngày dịch bệnh vậy anh?

Kể câu chuyện của tôi trước nhé. Vào mùa dịch bệnh cao điểm, tôi phải chuyển vào ở trong bệnh viện. Là chuyên gia tâm lí nhưng dịch bệnh vẫn khiến tôi căng thẳng, tôi chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn và cả những mất mát của bệnh nhân.

Mỗi tối, tôi thường trở về phòng một mình, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ và bắt đầu ăn cơm. Cứ như vậy suốt mấy tháng ròng rã, tôi không về thăm gia đình, có cô đơn lẫn áp lực.

Một lần, tôi gặp một bạn nhỏ 16 tuổi được chuyển từ quê vào bệnh viện trong tình trạng bệnh cấp tính nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan, thận. Do dịch Covid-19, mẹ bạn ấy không được ở lại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Bạn thường trầm tư và buồn bã. Bạn ấy nói với tôi rằng nằm viện cả tuần mà chưa gặp mẹ và rất nhớ mẹ. Tôi đề nghị bạn đọc số của mẹ để dùng điện thoại của mình gọi video call để hai mẹ con gặp nhau. Khi gặp mẹ qua màn ảnh điện thoại, bạn rất mừng rỡ và chia sẻ rằng bạn muốn có một cái tai nghe để nghe nhạc ở bệnh viện cho đỡ buồn.

Ở quê lên thành phố, tình trạng phong tỏa đầy nghiêm ngặt nhưng mẹ vẫn cố gắng vào viện để mang cho bạn cái tai nghe mới. Trò chuyện với người mẹ, tôi biết bà đã hỏi nhiều nơi, lặn lội khắp thành phố. Tình mẫu tử thật kì diệu.

Đêm ấy, tôi thấy bạn ôm tai nghe ngủ với một nụ cười mãn nguyện. Niềm vui của mình được khơi dậy trong những ngày tháng đầy giông bão như thế đó.

Chúng tôi gọi đó là sức bật tinh thần (Resillience). Đây là kết quả của việc thích nghi một cách tích cực và phục hồi từ các khó khăn.

Có thể bạn sẽ nhận ra trước đây mình quá tập trung vào các khó khăn, thất bại trong khi lại quên mất nhiều điều tích cực mình vẫn đang có.

Chuyên gia tâm lí Vương Nguyễn Toàn Thiện

Thời gian qua, có một số bạn bỏ lỡ việc du học, bạn mất người thân vì Covid-19, bạn thì cảm thấy lo sợ dịch bệnh bùng phát. Theo anh, làm thế nào bản thân của mỗi người có thể “vững tay chèo” để đi qua Covid-19?

Tôi tin rằng bạn, hay chính bản thân tôi đều gặp những khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Chúng ta hãy thử một bài tập sau đây. Khi thấy mình đang gặp bế tắc, bạn hãy thử lấy giấy bút ra và chia thành 2 cột: những điều khó khăn và những điều tích cực. Sau đó bạn hãy ghi nhận lại những điều khó khăn tồn tại và những điều tích cực, hi vọng.

Có thể bạn sẽ nhận ra trước đây mình quá tập trung vào các khó khăn, thất bại trong khi lại quên mất nhiều điều tích cực mình vẫn đang có. Ví dụ thay vì chỉ nghĩ mình là người thất bại, kém cỏi, tệ hại… bạn hãy nhìn lại các điểm tích cực hiện đang có nơi mình như sức khoẻ, thời gian, ba mẹ, gia đình, bạn bè…

Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống không chỉ toàn màu đen, còn rất nhiều nguồn lực trợ giúp xung quanh bạn mà đôi khi bạn lãng quên.

Việc nhận ra các điểm tốt, tích cực có thể khiến bạn có cảm xúc vui vẻ, lạc quan, phấn khởi. Từ đó, nền tảng tinh thần tốt sẽ giúp bạn có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và tìm ra những giải pháp phù hợp.

Xin cảm ơn anh về phần trò chuyện này!

THUẬN THẢO thực hiện
(Mực Tím Xuân 2022)