
“Hòn Cau nhỏ vậy, đến một lần cho biết, quanh đi quẩn lại cùng chỉ từng ấy thôi. Có người thắc mắc như thế mỗi khi nghe tôi nói về Hòn Cau. Nhưng với tôi, ở nơi đó, vẫn còn có rất nhiều điều chưa khám phá hết…
Hòn Cau hay còn gọi là Cù Lao Câu là khu bảo tồn (KBT) biển đa dạng bậc nhất Việt Nam. Ở đây có hệ sinh thái thảm cỏ biển và rạn san hô với hơn 239 loài trải dài hơn 20 km. Biển Hòn Cau là ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển. Trong đó, có các loài quý hiếm như cá voi, cá heo và rùa biển – những động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các loài thực vật trên đảo cũng rất đa dạng. Một số loài thuộc sách đỏ cần được bảo tồn và phát triển.

Bật chế độ “sống xanh” ở Hòn Cau
Con tàu rẽ sóng băng băng về phía trước. Những đợt sóng cứ trắng xoá dưới nắng trưa rực rỡ. Xa xa, trạm bảo tồn biển Hòn Cau dần hiện ra với lá cờ Tổ Quốc bay phấp phới trong gió. Sau khi cất ba lô, chúng tôi không thể nào ngồi yên trước cảnh biển trong xanh, mặt biển tĩnh lặng như hồ. Chỉ cần thả mình xuống nước, tôi có thể thấy từng đàn cá dạn dĩ bơi xung quanh mình và những rặn san hô óng ánh đủ màu sắc.
Các anh chị tại khu bảo tồn dặn chúng tôi không được dẫm đạp hay chạm vào san hô. Cũng không nên bôi kem chống nắng vì trong kem chống nắng thành phần gây ảnh hưởng đến san hô.
Mọi người trên đảo cũng thường nhắc nhở nhau không dùng ống hút, túi nylon, chai nhựa; không xả rác ở bãi biển, khuyến khích mang rác thải về đất liền… Nói cách khác, bạn phải bật “chế độ” sống xanh một cách nghiêm khắc ngay từ lúc đặt chân lên đảo.

Những “bà đỡ” của rùa biển
Hòn Cau có 7 bãi biển, trong đó có hai bãi rùa thường xuyên ghé thăm. Rùa mẹ thường đẻ trứng vào ban đêm. mỗi lần đẻ trung bình từ 100 – 200 trứng. Giai đoạn ấp trứng kéo dài 45 – 50 ngày. Nhiệt độ của cát sẽ quyết định giới tính của rùa con. Điều đặc biệt của loài rùa biển là dù có di cư bao xa thì chúng vẫn sẽ trở về chỗ cũ, đúng bãi cát nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Sự vượt cạn ấy là cả một trình gian nan.
Rùa đẻ xong, phôi rùa tạm ngưng hoạt động trong vòng 4 tiếng. Công việc của các anh chị bảo tồn – hay còn gọi vui là “bà đỡ” – là di dời trứng về bãi ấp trứng rùa để đảm bảo sự an toàn và để tránh trứng hỏng. Sau đó, ở mỗi hố ấp sẽ được ghi chú cẩn thận thông tin về ngày tháng trứng được sinh ra, số thứ tự cũng như số trứng dưới tổ. Đến thời điểm thích hợp, những chú rùa con sẽ tự phá tung vỏ bọc, đội cát ngoi lên.

Biển là nhà, về với biển, rùa con sẽ bắt đầu những cuộc hành trình mới, nếu sống sót chúng sẽ thực hiện những chuyến du hành vĩ đại trong lòng đại dương. Rùa biển không bao giờ lạc đường, từ trường Bắc Nam chính là tấm bản đồ vô hình của chúng. Nó có thể xác định được vị trí của mình của mình ở bất cứ đâu trong lòng đại dương. Đại dương bao la chính là nhà của chúng.
Nằm bên bờ biển ngắm sao trời
Trong khung cảnh biển đảo Hòn Cau còn sót lại chút ánh nắng yếu ớt của hoàng hôn ban chiều. Trạm bảo tồn hiện ra với vẻ đẹp thô mộc, khoẻ khoắn. Đêm ở đảo rùa kiệm sáng vì trên đảo chưa có điện. Sau bữa cơm tối, đèn chợt tắt, chỉ còn vài ánh đèn pin le lói. Bên bờ biển, mọi người quây quần với nhau và kể cho nhau nghe chuyện tuần tra trong ngày.
Sau đó, các anh chị chỉ cho chúng tôi xem một điều kì lạ khác nữa là những đàn cá biết bay. Trong đêm tối trời, chỉ cần lấy đèn pin bật sáng và chiếu thẳng xuống biển, bạn sẽ thấy được hàng trăm chú cá theo ánh đèn mà bay lên, rất lạ. Ánh sáng lấp lánh của vẩy cá cứ rực lên theo từng luồng sáng bất chợt. Và đây chính là thứ “đặc sản” tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua khi đến Hòn Cau.
Đêm cuối cùng trên đảo, tôi dành hết thời gian của mình để ngắm sao trời. Tôi biết rằng, ngày mai khi trở lại đất liền tôi sẽ không còn cơ hội trải nghiệm những cảm giác thú vị như lặn biển ngắm san hô, xem cá phát sáng và lắng nghe những câu chuyện về vùng biển yên ả này. Khí trời về đêm thật dễ chịu. Tôi nhắm mắt lại, hít hà thưởng thức mùi hương đặc trưng của biển xông lên mũi giữa bầu không khí trong lành.

TÂM HUỲNH
Thiết kế: THUẬN Ý