Mùa xuân là mùa của đoàn viên và trở về. Đối với những cư dân trong hẻm 148 Bùi Viện, những cuộc trở về càng có ý nghĩa đặc biệt bởi nơi đây từng trải qua cơn dịch bệnh nặng nề, khiến nhiều gia đình nhiễm bệnh. Minh Trí (lớp 11, trường THPT Bùi Thị Xuân) và Hồng Thắm (lớp 10, THPT Trưng Vương) đã đi qua những ngày tháng đó để học cách trưởng thành với trái tim dũng cảm, yêu thương.

Buổi sáng, Hồng Thắm mở toang cửa phòng, từng giọt nắng vàng xuyên qua tấm màn mỏng, ùa vào bên trong khung cửa. Thắm nghe tiếng mẹ nhắc nhở dọn phòng, tiếng rao bánh mì quen thuộc, tiếng anh chàng cuối ngõ bắt đầu đi gom lư đồng cho cả xóm để chùi rửa, tiếng dì Hai xốc củ kiệu…

Khép lại những kí ức đau thương, mùa Xuân đã về với con hẻm nhỏ.

“Cơn bão” Covid-19

“Bà Bảy ơi, cố lên nghen”. Một người hàng xóm nói vọng ra khi nhân viên y tế đưa bà của Trí đi. Vào ngày 30/7, sau khi xét nghiệm cộng đồng, một hộ gia đình trong hẻm được xác định dương tính với SARS CoV-2. Lần thứ 2 xét nghiệm là 12 hộ gia đình. Lần thứ 3, số ca nhiễm đã tăng nhanh chóng, một số hộ phải cách li tại nhà.

Từ nhỏ, Trí đã sớm mồ côi cha mẹ. Bà là lo lắng cho cậu từng bữa ăn, giấc ngủ, tấm áo… Trí lờ mờ nhận ra cơn sốt của bà kéo dài không phải là do tác dụng phụ của vaccine. Bà được chuyển đi bệnh viện khi tình trạng khó thở kéo dài. “Dương tính” là kết quả cuối cùng của bà mà Trí nhận được.

Tối đó, Thắm nhắn tin cho Trí: “Anh ổn chứ?”. Cậu trả lời: “Anh phải ổn thôi, để còn làm chỗ dựa cho cô anh nữa”. Vài tuần trước, 9 người trong gia đình Thắm cũng được xác định nhiễm Covid-19. Bốn người lớn có bệnh nền được chuyển đi cách li, nhà chỉ còn các anh em tự chăm sóc nhau.

Là người nhỏ tuổi có ít triệu chứng nhất, Thắm đã vào bếp nấu ăn, đo chỉ số Oxy SPO2 cho mọi người. 16 tuổi, Thắm tự gọi điện cho y tế phường để đọc được toa thuốc và phân phát cho các F0 trong nhà.

“Bệnh nhân A. đã được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy, tiên lượng nặng”. Dòng tin nhắn làm đôi mắt Thắm nhòe mờ. Đó là dượng của Thắm. Ngày bé, Thắm vẫn thường hay quấn quýt bên dượng, gọi dượng là “ba hai”.

Hồng Thắm
Hồng Thắm

Dượng có bệnh nền là lao phổi. Một ngày sau, cô bạn nhận được cuộc gọi cuối cùng từ bệnh viện: “Xin chia buồn cùng người nhà của bệnh nhân A. Bệnh nhân đã không qua khỏi…”. Thắm lao vút xuống nhà, gọi hai anh là con của dượng, tay chân Thắm bủn rủn, người lạnh toát.

“Khoảng 15 phút sau, mình mới gọi điện cho đứa bạn thân. Mình bắt đầu bằng câu: Mày ơi, dượng tao vừa qua đời. Ngay khoảnh khắc đó, mình mới có thể bật khóc nức nở. Những kí ức êm đềm về người đã khuất cứ tuôn chảy trong tâm trí mình”, Thắm nói.

Trong “cơn bão” đó, con hẻm nhỏ mất đi một ông Hai với nụ cười hiền hậu, bỏ lại con chó Sushi ngẩn ngơ nhớ chủ; một bà Sáu ngày nào cũng cất giọng hỏi thăm mấy đứa nhỏ trong xóm đi học à, hôm nay làm lễ ra sao.

Và Trí, cũng vĩnh viễn mất đi một người bà hiền hậu. Minh Trí chia sẻ: “Tối đó, khi Thắm thấy mình đổi ảnh đại diện màu đen, nó đã nhắn tin hỏi han, động viên. Trong khoảnh khắc buồn bã nhất, mình cố gắng không rơi giọt nước mắt  để làm chỗ dựa cho cô mình bởi cô gần như ngã quỵ sau sự ra đi của bà. Sự thật là phải chấp nhận và đối mặt. Mình là đứa con trai duy nhất trong nhà mà…”.

Những cuộc trở về hạnh phúc

17 giờ, con đường Bùi Viện sẽ ngập tràn ánh đèn, tiếng nhạc xập xình. Con đường sầm uất nhất nhì thành phố sẽ “chuyển mình” khi số lượng du khách đổ về ngày một đông. Từ con hẻm nhỏ khuất sau Bùi Viện, Trí có thể nghe được tiếng nói cười, tiếng hát hò… Đó là của Bùi Viện của trước kia.

“Vậy mà có ngày, mặt đất trên con đường này lại mọc rêu đó”, Trí nói. Dịch Covid-19 đã làm cuộc sống nơi đây hoàn toàn đảo lộn. Từ cửa sổ phòng mình, cậu nhìn thấy ánh đèn không còn lấp loáng, một lớp rêu xanh phủ trên mặt đất còn bạn thì vẫn “chiến đấu” với Covid-19.

Minh Trí chia sẻ: “Ngày nào mẹ Thắm cũng gọi sang hỏi mình rằng có ổn không. Cô chỉ mình cách gọt dứa, gọt bưởi, cách để một thằng con trai lóng ngóng có được bữa ăn ngon lành. Hàng xóm đặt trước cửa nhà mình từng túi gạo, mớ rau… Trước đây, mình chỉ có hai việc là đi học và ăn ngủ trong phòng. Mình hiếm khi nào quan tâm đến “chuyển động” của mọi người trong xóm. Vậy mà trong những ngày dịch bệnh, mình lại cảm nhận được họ rất yêu thương, quan tâm dành cho mình”.

Lớp rêu xanh đó chỉ được xóa bỏ khi con hẻm bắt đầu có những dấu chân người. Trí và Thắm gọi là những cuộc trở về đầy hạnh phúc.

“Cậu Ba về rồi hen, lâu quá mới gặp”

“Chúc mừng nhà mình nghen”

Tiếng chào hỏi chộn rộn khắp con hẻm nhỏ. Người và người cách nhau hàng chục mét, nhìn nhau qua lớp khẩu trang, sau khe cửa. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cũng khiến người ta cảm nhận được hạnh phúc tràn trề của những cuộc trở về.

“Thắm, chiên cho cậu Ba cái trứng đi con”, cậu nói. Cậu Ba là người có bệnh nền, nhiễm Covid-19 và từng trở nặng. Cuộc trở về của cậu Ba là minh chứng cho sự hồi phục diệu kỳ.

Lúc đó, Thắm vừa chiên trứng, vừa khóc. “Mình sợ tiếng loạt xoạt của lớp áo bảo hộ mà chị tình nguyện viên vào nhà, mang cậu đi. Tiếng lạch cạch của những băng ca y tế, đưa từng người trong hẻm ra ngoài”, bạn nói.

Trong suốt quãng thời gian dịch bệnh, Thắm nấu ăn, Thắm phân thuốc, Thắm đo nhiệt độ, Thắm gượng dậy sau nỗi đau không thể tả thành lời. Sau cùng, Thắm bật khóc trước những sự trở về của cậu Ba, của những con người trong con hẻm nhỏ. Khoảnh khắc đó thật quý giá biết bao.

Mùa Xuân trong con hẻm nhỏ

“Bánh mì…Bánh mì đây…”

Nghe tiếng kêu, cô bạn bật dậy khỏi giường, chồm người xuống ban công nhìn chiếc xe đẩy vừa luồn lách qua con hẻm nhỏ. Đó là một ngày tháng 10, khi TP.HCM bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Cô bạn hít sâu vào lồng ngực bầu không khí của buổi sáng sớm, thêm cái mùi thơm phức từ nồi hủ tiếu của dì Thân đầu ngõ.

Cạnh nhà Thắm, Trí bắt đầu lần giở tờ lịch và đếm. Cậu bất giác thốt lên: “Sắp đến Tết rồi”. Tết của hẻm của đặc biệt theo cách riêng của nó. Vào ngày 26 Tết, một anh thanh niên cuối hẻm sẽ gom hết lư đồng của các gia đình trong hẻm để chùi rửa. Mỗi nhà sẽ đặt một bàn cúng trước cửa vào đêm giao thừa. Tết không thể thiếu thau kiệu “kiểu người Hoa” của nhà Thắm. Từng củ kiệu trắng phau sẽ không được phơi nắng mà ngâm với nước tro. Qua bàn tay khéo léo của dì Hai, kiệu sẽ đầy đủ hương vị chua ngọt, giòn sần sật.

Minh Trí và Hồng Thắm khi nhịp sống “bình thường mới” về với con hẻm nhỏ

Vào dịp này, con hẻm cũng sẽ phảng phất mùi kiệu ngâm giấm đường, mùi nhang Tết. Mọi năm, bà nội của Trí sẽ là nấu tất cả các món ăn trong nhà. Thịt nội kho phải là miếng thịt dẻ được từng sớ, có màu vàng bóng bẩy, nước kho phải trong veo nhưng đậm đà, không có nhiều mỡ. Mọi năm, Trí vẫn hay càu nhàu khi nội cứ vất vả tự tay làm mấy món ăn Tết, rồi gói đem cho nhà này, nhà kia.

Giờ, hình ảnh của nội chỉ còn trên di ảnh, khiến ai nhìn thấy cũng cay cay khóe mắt, không rõ là do khói nhang hay vì những kí ức êm đềm ngày xưa.

Năm nay, Trí sẽ phụ cô kho nồi thịt “kiểu của nội”, mang đậm đà hương vị yêu thương. Cậu sẽ đặt lên bàn thờ và nói khẽ: “Nội ơi, về ăn Tết nghen nội”.

***

Hẻm 148 Bùi Viện là một con hẻm bình thường như trăm nghìn con hẻm khác ở TP.HCM. Câu chuyện của Minh Trí, Hồng Thắm cũng như câu chuyện của hàng nghìn học sinh trong thành phố trong đợt dịch bệnh vừa qua. Đi qua những khó khăn, các bạn đã học cách dũng cảm đối mặt để trưởng thành, lớn lên.

Khép lại những nỗi buồn năm cũ, mùa xuân đã về bên hiên nhà. Những chồi non lại hé, một năm với nhiều điều mới mẻ đang chờ đón bạn!

Bài: NGỌC NGÂN
Ảnh: NGỌC NGÂN – KỲ ANH
(Mực Tím Xuân 2022)