Thêm yêu diễn xướng nghệ thuật truyền thống qua dự án sáng tạo trẻ

Sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, bạn Nguyễn Phạm Nhơn Ái (sinh viên trường ĐH Văn Lang) vốn có sẵn tình yêu với những điệu hò xự xang xê cống nên đã chọn đờn ca tài tử làm đề tài tốt nghiệp.

“Ý tưởng chung ban đầu là làm dự án quảng bá quê hương nhưng để chọn một hình ảnh cụ thể thì rất khó vì miền Tây có quá nhiều thứ hấp dẫn như: ẩm thực, du lịch…

Trong một lần xem chương trình đờn ca tài tử, nghe các diễn giả chia sẻ kiến thức rất hay nhưng chỉ có số ít các bạn trẻ tham gia, mình liền nghĩ ra ý tưởng tổ chức một festival với những thiết kế về mặt thị giác, không gian trình diễn theo phong cách hiện đại, trẻ trung để thu hút nhiều người quan tâm hơn” – Nhơn Ái chia sẻ.

poster khat vong vuon xa

Tuy festival này chỉ là một chương trình giả định nhưng sự tâm huyết và niềm đam mê của cậu bạn khi làm bài dự án là thật.

Nhơn Ái đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức về nhạc cụ, nhạc lý của đờn ca tài tử, xem các chương trình biểu diễn… để từ đó tìm ra nét độc đáo truyền tải vào sản phẩm sáng tạo của mình.

Logo “Vọng” – tên của festival được Ái kết hợp 4 hình ảnh đặc trưng: sóng nước (tượng trưng cho tính sông nước miền Tây), đàn kìm (nhạc cụ đặc trưng của đờn ca tài tử), mặt trăng (hình ảnh quen thuộc hay xuất hiện trong các bài hát) và sóng âm thanh vang vọng mang theo những cái hay, cái đẹp do ông bà sáng tạo ra từ ngàn xưa đến với thế hệ trẻ hôm nay.

Bức poster vẽ các nghệ sĩ đang trình diễn đờn ca tài tử cũng được Ái khéo léo chọn thể hiện theo phong cách tranh kiếng, khảm xà cừ vốn rất phổ biến ở Nam bộ, tạo sợi dây kết nối chặt chẽ giữa diễn xướng với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc khác.

Bật mí về ý tưởng sáng tạo không gian trình diễn trong bài tốt nghiệp, Nhơn Ái cho biết: “Thời ông bà mình chỉ cần trải chiếc chiếu ra sân ngồi đờn ca với nhau là đủ nhưng với sự phát triển hiện nay, mình muốn nâng tầm không gian trình diễn đờn ca tài tử sao cho xứng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận”.

Ái cùng hai người bạn khác đang học tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã tự vẽ phác hoạ và dựng mô hình 3D các không gian dẫn dắt cảm xúc của khán giả một cách tinh tế.

Từ ngoài sảnh dẫn vào bên trong, Ái muốn đem đến cảm giác êm ả tựa dòng chảy hiền hoà của con nước miền Tây qua việc trưng bày hình ảnh, thông tin về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của đờn ca tài tử.

Tiếp đến vùng đệm là không gian giao lưu cùng các nghệ sĩ để gợi sự thân mật, niềm yêu thích trong lòng khán giả. Và tâm điểm chính là sân khấu trình diễn, nơi các nghệ sĩ cùng khán giả được thăng hoa theo những điệu hát, tiếng đàn ngân nga.

“Khi làm bài tốt nghiệp, mình không đặt mục tiêu quá cao là phải khiến các bạn trẻ say mê ngay đờn ca tài tử, mà chỉ đơn giản muốn góp sức đưa phần trình diễn của nghệ sĩ vốn là linh hồn của nghệ thuật diễn xướng dân gian đến gần hơn và có cách tiếp cận dễ dàng hơn với khán giả hôm nay.

Nếu dự án này được tổ chức trong tương lai, mình chỉ mong các bạn trẻ rủ nhau tìm đến và trải nghiệm không gian, chụp hình check-in “khoe” với bạn bè khắp nơi đã là một thành công rồi” – Nhơn Ái cười.

Kì sau: Tìm hiểu hát bội qua con chữ

Bạn Nguyễn Phương Vy (sinh viên ĐH Mỹ Thuật TP.HCM) đã chọn hướng đi khác biệt bằng cách sử dụng nghệ thuật sáng tạo con chữ (Typography) để giới thiệu những nét đẹp của hát bội đến với giới trẻ.

<strong>Bài: KHÁNH HÙNG<br></strong>Ảnh: Nhân vật cung cấp<br>Đồ họa: NAM KHA
Bài: KHÁNH HÙNG
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồ họa: NAM KHA

Theo Mực Tím