Tìm hiểu hát bội qua con chữ

Qua những lần được xem nghệ sĩ biểu diễn ở trường và Thảo Cầm Viên, niềm yêu thích nghệ thuật hát bội đã ngấm vào tâm hồn Vy lúc nào không hay.

Đến khi được giao làm bài tập, tình yêu ấy thôi thúc Vy chọn hát bội làm đề tài chính, “loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống này có phần thể hiện về mặt sân khấu, trang phục và nhất là mặt nạ của các nhân vật tạo ấn tượng rất tốt về mặt thị giác, gợi cho mình nhiều ý tưởng sáng tạo thú vị” – Vy chia sẻ thêm.

Nhưng có lẽ vì điểm cộng nổi bật đó mà hát bội đã được rất nhiều các bạn trẻ khác chọn làm dự án sáng tạo nghệ thuật, như Vẽ về hát bội trước đây từng tạo tiếng vang lớn. Để mở hướng đi khác biệt mang đậm phong cách cá nhân, Vy đã tận dụng thế mạnh của mình ở nghệ thuật sáng tạo con chữ (Typography) sáng tạo ra một bảng chữ cái riêng về hát bội với tên gọi “Bội tự”.

Bảng chữ cái này gồm 2 phần: Phần một là Typeface (kiểu chữ) được lấy cảm hứng từ hình ảnh lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát bội, thiết kế theo hai định dạng cơ bản là Regular (bình thường) và Italic (in nghiêng) với các nét tương phản mạnh giữa thanh – đậm và các nét móc nhọn kéo dài. Phần hai là các chữ cơ bản trong bảng chữ cái lồng ghép hình ảnh minh họa đặc trưng của hát bội.

Điều khó khăn nhất khi thực hiện dự án này chính là việc tìm tư liệu. Vy cho biết: “Khi tìm hiểu thông tin trên mạng, mình nhận ra có nhiều trang đăng nội dung, hình ảnh bị sai, nhầm lẫn giữa hát bội với kinh kịch của Trung Quốc.

Chẳng hạn, trên web miêu tả mặt nạ hát bội thường có tính chất tán màu ra để dẫn màu, chi tiết sặc sỡ, có nhiều vằn vệt từ nhiều đường nhỏ sát nhau… trong khi đó lại là nét đặc trưng của kinh kịch. Do đó, mình luôn phải so sánh tài liệu trên mạng với sách vở chính thống để không bị sai.

Mình chủ yếu tham khảo cuốn “Sổ tay hát bội” của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và “Nghệ thuật sân khấu hát bội” của tác giả Lê Văn Chiêu”.

Ngoài ra, không phải con chữ nào trong bảng chữ cái cũng đều khớp với các nét đặc trưng của hát bội, nhất là với những nguyên âm như: a, u, e… Chẳng hạn, vì không tìm được yếu tố nào cụ thể của hát bội có tên gọi bắt đầu bằng chữ A để đặt vào nên Vy ghép luôn cụm “hỷ, nộ, ái, ố” được dùng để miêu tả biểu cảm của nhân vật trên sân khấu cho phù hợp; chữ E cũng tương tự nên được ghép chung với từ “nghệ thuật”…

“Ngoài nội dung ra, cũng có những con chữ khiến mình “xoắn não” về mặt tạo hình. Như chữ R – Râu, không thể vẽ nguyên bộ râu vào trông sẽ rất phô nên mình đã dành cả buổi xem lại các đoạn trích và may mắn chọn được bộ râu đen xoắn, thể hiện tính nóng nảy, dữ dằn của nhân vật Châu Sáng trong Châu Sáng qua sông để phác hoạ. Hay chữ U – Ước lệ khá mông lung, rất khó cảm nhận về mặt thị giác nên mình đã cụ thể hoá bằng hình tượng ông Nhật – bà Nguyệt trong Nhật Nguyệt bát thiên vương” – Vy bật mí.

Sau khi chia sẻ trên trang cá nhân, “Bội tự” đã thu hút các bạn trẻ quan tâm và dành nhiều lời khen ngợi. Vy hào hứng kể: “Trong đó, comment của bạn Chann chia sẻ rằng nhờ xem ‘Bội tự’ mà bạn ấy được truyền cảm hứng và tháo gỡ một số nút thắt về kiến thức, cách thể hiện ý tưởng còn đang vướng… khiến mình rất vui và hạnh phúc! Vì dự án của mình cũng đã góp được phần nào vào việc đưa hát bội đến gần hơn với các bạn trẻ”.

Kì 3: Từ trang sách Gánh hát lưu diễn muôn phương

Từ việc ghi chép cá nhân những điều mình tự tìm hiểu và học hỏi, bạn Hồ Phương Thảo cùng các cộng sự đã phát triển thành dự án Gánh hát lưu diễn muôn phương nhằm chia sẻ kiến thức hay về các loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ.

<strong>Bài: KHÁNH HÙNG<br></strong>Ảnh: Nhân vật cung cấp<br>Đồ họa: NAM KHA
Bài: KHÁNH HÙNG
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồ họa: NAM KHA

Theo Mực Tím